Hành trình của mẹ, con, và rối loạn phổ tự kỷ

Chị Hoàng Hạnh hiện đang là mẹ đơn thân sống cùng mẹ và con trai tại Hà Nội. Con của chị được chẩn đoán tự kỷ từ lúc hai tuổi rưỡi và đã tham gia các lớp can thiệp từ năm ba tuổi. Hiện nay, bạn đã vào lớp Một. Quá trình đồng hành cùng con đi đến ngày hôm nay là cả một khoảng thời gian dài hơn ba năm của cả nhà, từ bước phát hiện, chấp nhận và cuối cùng là thấu hiểu nhau. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của chị Hạnh về quá trình cùng con trưởng thành và suy nghĩ của chị về những định kiến đối với tự kỷ trong xã hội nhé!

Cũng giống như đa số các gia đình khác, ban đầu, chị chỉ cho rằng con mình chậm nói mà thôi. Nhưng dần dần, sau khi thấy các kỹ năng sinh hoạt của bé còn kém, có các biểu hiện như tăng động và hay chạy loạn, chị đã đưa bé đi khám. “Ban đầu mình rất hoang mang, không dám tin, đi chẩn đoán có kết quả cũng rất sốc. Nhưng may mắn là mình tìm được một trung tâm can thiệp sớm đáng tin cậy và nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ họ. Ngoài ra, mình cũng có tìm hiểu thêm ở các trang, các trường hợp của nước ngoài về hội chứng tự kỷ. Vì vậy, đối với Hạnh, khoảng thời gian khó khăn nhất chỉ là vào giai đoạn đầu, lúc phát hiện bé tự kỷ. Còn sau đấy, khi đã chấp nhận rồi thì mọi thứ cứ từ từ mà làm thôi”, chị Hạnh chia sẻ.

DSC_9840-768x511

Sự kết nối giữa mẹ và con trong quá trình can thiệp cho con RẤT QUAN TRỌNG. “Khoảng thời gian đầu hai mẹ con không giao tiếp được với nhau. Mẹ gọi thì bé cũng không nghe, hoặc bé nghe nhưng không hiểu. Nhưng nếu mình tìm được cách kết nối và xây dựng niềm tin ở bạn, thì tự nhiên bạn sẽ gần gũi hơn. Bây giờ bạn ngoan hơn rất nhiều, biết nghe và hiểu nhiều hơn.” – chị cho biết.

Theo chị, hiện nay trong cộng đồng cha mẹ, vẫn còn một số định kiến không đúng về tự kỷ. Chúng ta cần biết rằng:

  • Tự kỷ  KHÔNG phải bệnh, KHÔNG THỂ CHỮA ĐƯỢC.  
  • Tự kỷ KHÔNG phải lỗi của cha mẹ, cũng KHÔNG phải do hoàn cảnh sống gây ra. Vì vậy, phụ huynh đừng tự trách bản thân, hãy lạc quan, chấp nhận và hỗ trợ con hết mình.
  • Một số phụ huynh khi đưa con đi khám ở bệnh viện, bởi vì không thế chấp nhận được kết quả chẩn đoán mà cho rằng các bác sĩ khám rất sơ sài. Vì thế, họ đưa con đi kiểm tra liên tục đến khi có được kết quả vừa lòng bố mẹ, nhưng không phải tình trạng thật sự của con. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng, bệnh viện chính là cơ quan chuyên môn tốt nhất để khám và chẩn đoán cho trẻ. “Các bác sĩ phải tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân, đôi khi thái độ của phụ huynh lại không tốt, nên họ sẽ khó chịu và cứng nhắc. Một phần nữa là do họ đã có chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm, nên đôi khi họ chỉ cần khám qua vài bước là đã xác định được trình trạng của bé rồi”, chị Hạnh chia sẻ.

Parent-interview-576x1024

Ngoài ra, trong xã hội cũng còn rất nhiều định kiến khác. Ví dụ như “người tự kỷ không nên tham gia vào cộng đồng”. Trong quá trình đi ghi danh cho con học lớp Một, chị Hạnh đã nhận được câu hỏi: “Vì sao không cho con đi học trường chuyên biệt mà lại cho đi học trường thường?” Các bạn tự kỷ RẤT THÍCH GIAO TIẾP, chỉ là không biết cách để giao tiếp mà thôi. Chị Hạnh có chia sẻ, con chị rất thích được đi học và giao tiếp, bé vui nhất là khi cảm giác mình được đến trường, mặc đồng phục, có sách vở, được tặng quà sinh nhật và được ghi nhận trong xã hội.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể học được từ những người tự kỷ một số thứ, chẳng hạn như sự lạc quan vui vẻ của họ. “Bố mẹ thì lo lắng rất nhiều, sợ những ánh mắt của người khác nhìn vào con, nhưng mà bạn ấy có quan tâm đâu, bạn ấy vui là được. Bạn cũng chưa bao giờ bị ảnh hưởng bởi những lời nói không tốt của người khác. Thế giới vẫn là của bạn ấy mà, ai không bước vào thế giới đó thì kệ người ta. Đó cũng là một cách mà mình học được từ con”, chị Hạnh nói.

Người tự kỷ ban đầu có thể yếu trong các kỹ năng sống, họ sẽ không biết cách ứng xử đối đáp sao cho hợp lý, nhưng sau một khoảng thời gian chúng ta kiên trì giúp đỡ, họ sẽ tự học được cách thích nghi với tình hình. Một khi đã học được thì các bạn ấy thậm chí còn nguyên tắc hơn mình nhiều.

Hãy góp phần hỗ trợ các bạn tự kỷ, giúp họ tham gia hòa nhập vào cộng đồng bằng cách tham gia The Steps Challenge, góp bước chân đi bộ vì người tự kỷ nhé!

Đăng ký ngay