Thúc đẩy sử dụng và khái quát hóa kỹ năng xã hội ở trẻ em phổ tự kỷ

Can thiệp

TÓM LƯỢC

Huấn luyệnkỹ năng xã hội là một can thiệp được sử dụng thường xuyên để giải quyết các vấn đề xã hội của trẻ em rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Nghiên cứu hiện tại đã kiểm tra hiệu quả của chương trình Kỹ năng Xã hội Siêu anh hùng (tên gốc: Superheroes Social Skills), một chương trình huấn luyện kỹ năng xã hội bao gồm nhiều phương pháp dựa trên bằng chứng khoa học nhằm thúc đẩy việc thực hiện chính xác các kỹ năng xã hội mục tiêu trong cả môi trường huấn luyện và môi trường khái quát. Ba trẻ tự kỷ trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã tham gia 10 buổi huấn luyện kỹ năng xã hội trong năm tuần với các bài học về kỹ năng xã hội mục tiêu: Tham gia, Hội thoại, Tiếp nhận Quan điểm và Giải quyết Vấn đề. Một cấu trúc thăm dò (probe) hành vi của những trẻ em tham gia đã được sử dụng để đánh giá việc thể hiện chính xác các kỹ năng xã hội mục tiêu. Kết quả cho thấy sự cải thiện về độ chính xác của kỹ năng trong cả hai môi trường huấn luyện và khái quát. Các biện pháp đo lường thứ cấp gián tiếp đối với chức năng xã hội của trẻ em tham gia và sự căng thẳng ở phụ huynh cũng được thực hiện và cho thấy sự tiến bộ nhờ can thiệp kỹ năng xã hội.

© 2014 Elsevier Ltd. All rights reserved.

Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) đặc trưng bởi những khiếm khuyết đáng kể trong giao tiếp và tương tác xã hội trong các bối cảnh khác nhau (Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, 2013). Những khiếm khuyết xã hội mà trẻ tự kỷ gặp phải là rất lớn và được mô tả là một trong những đặc điểm nổi bật nhất của ASD (Carter, Davis, Kiln, & Volkmar, 2005). Để giải quyết các vấn đề xã hội phổ biến ở trẻ tự kỷ, các chương trình huấn luyện kỹ năng xã hội là biện pháp can thiệp được thực hiện phổ biến nhất (Goin-Kochel, Myers, & Mackffy, 2007). Huấn luyện kỹ năng xã hội cho trẻ tự kỷ thường bao gồm việc dạy từng kỹ năng xã hội riêng biệt thông qua quan sát, làm mẫu, diễn tập (rehearsal) và phản hồi (Elliott, Roach, & Beddow, 2008).

Một số chiến lược huấn luyện kỹ năng xã hội được phát hiện là hữu ích trong việc thúc đẩy tiếp thu và sử dụng từng kỹ năng xã hội riêng biệt trong môi trường huấn luyện cho trẻ tự kỷ. Ví dụ, Plavnick, Sam, Hume và Odom (2013) đã tìm thấy một cách can thiệp kỹ năng xã hội qua quan sát video làm mẫu để cải thiện đáng kể các hành vi xã hội phức tạp như khởi xướng, nhận thức và hành vi xã hội qua lại cho bốn thanh thiếu niên ASD. Việc sử dụng một can thiệp kỹ năng xã hội dựa trên điểm mạnh của người tham gia trong đó sở thích cá nhân của trẻ tự kỷ được kết hợp vào Thẻ sức mạnh (Power Card) (Gagnon, 2001) đã cải thiện kỹ năng làm theo chỉ dẫn ở trẻ tự kỷ (Campbell & Tincani, 2011). Doggett, Krasnoyno, Koegel và Koegel (2013) đã tìm thấy một biện pháp can thiệp tự quản lý có hiệu quả trong việc tăng số lượng câu hỏi được sử dụng trong bối cảnh giữa hai trẻ tự kỷ. Các can thiệp thông qua bạn học vào giờ giải lao làm gia tăng hành vi giao tiếp ở trẻ tự kỷ (Miller và cộng sự, 2014). Nghiên cứu cũng đã tìm thấy các can thiệp thông qua bạn học kết hợp các kịch bản trực quan sẽ cải thiện các hành vi giao tiếp riêng biệt, như đặt câu hỏi và yêu cầu hỗ trợ (Ganz và cộng sự, 2012).

* Tác giả liên lạc tại: Khoa Tâm lý học, ĐH Nam Mississippi, 118 College Drive # 5025, Hattiesburg, MS 39406-001, Mỹ. Đt.: +1 601 266 6748.

Địa chỉ email: [email protected] (K.C. Radley).

1 Keith C. Radley là đồng tác giả của chương trình Kỹ năng Xã hội Superheroes. Chương trình được thiếu kế cho Phòng Giáo dục Bang Utah như một phần của khoá đào tạotiến sĩ của ông. Ông ta không nhận bất kỳ nguồn tài chính hay lợi ích nào khác từ việc thương mại hóa chương trình này, và các dữ liệu trong bài viết này cũng không đươc tài trợ từ bất kỳ nhà xuất bản thương mại nào. 

http://dx.doi.org/10.1016/j.rasd.2014.03.012

1750-9467/© 2014 Elsevier Ltd. All rights reserved.

Mặc dù trẻ tự kỷ được hưởng lợi từ các can thiệp kỹ năng xã hội trong môi trường huấn luyện và sự hài lòng của phụ huynh và trẻ em tham gia can thiệp thường rất cao (Cotugno, 2009), nghiên cứu cho thấy các kỹ năng này thường không được khái quát hóa cho các môi trường hoặc đối tượng mới (e, g , Bellini, Peters, Brenner, & Hopf, 2007; Ganz và cộng sự, 2012; Rao, Beidel, & Murray, 2008; Yakubova & Taber-Doughty, 2013). Do đó, khái quát hóa được xác định là một trong những khía cạnh thách thức nhất của quá trình huấn luyện kỹ năng xã hội cho trẻ tự kỷ (Barry, Klinger, Lee, Palardy, Gilmore, & Bodin, 2003). Một khóa huấn luyện kỹ năng xã hội không mang lại hiệu quả khái quát có nghĩa là các can thiệp kỹ năng xã hội đó không làm tăng năng lực xã hội cho người tham gia, thể hiện rõ qua việc vận dụng các kỹ năng xã hội cơ bản và cụ thể trong từng bối cảnh thích hợp (Gresham & Elliott, 1987). Để thúc đẩy những tiến bộ lâu dài về năng lực xã hội, việc thiết kế phương pháp khái quát hóa rõ ràng phải hiện diện trong quá trình huấn luyện kỹ năng xã hội.

Stokes và Osnes (1989) đã đưa ra ba cách thúc đẩy khả năng khái quát hóa có thể hiệu quả khi áp dụng vào huấn luyện kỹ năng xã hội cho trẻ tự kỷ và giúp trẻ vượt qua các rào cản: khai thác các tình huống chức năng phát sinh để củng cố; huấn luyện đa dạng; và kết hợp các trung gian chức năng của hành vi. Khai thác các tình huống chức năng phát sinh mô tả quá trình cho phép sự diễn ra tự nhiên của kết quả từ một hành vi nhằm ghi nhớ hành vi đó sau khi can thiệp đã kết thúc (nghĩa là cung cấp các kết quả tự nhiên cho việc sử dụng một kỹ năng xã hội). Huấn luyện đa dạng thông qua việc kết hợp nhiều kích thích và phản ứng mẫu đi kèm để đảm bảo rằng trẻ em tham gia đã được tiếp xúc đủ các ví dụ về hành vi thông thường để có thể phản ứng phù hợp với một loạt các tình huống xã hội khác nhau. Huấn luyện đa dạng cũng có thể được thực hiện thông qua việc trình bày, cho trẻ xem các tình huống huấn luyện khác nhau. Kết hợp các trung gian chức năng của hành vi bao gồm các chiến lược cho phép tự kiểm soát các kỹ năng xã hội mục tiêu. Tự giám sát và đánh giá việc sử dụng kỹ năng xã hội, luyện tập với bạn bè (những người sau này sẽ gợi ý cho trẻ cách thực hiện kỹ năng) hoặc kết hợp các kích thích xã hội điển hình khác sẽ vận dụng các trung gian chức năng của việc sử dụng các kỹ năng xã hội, từ đó nâng cao tiềm năng khái quát hóa các kỹ năng.

Chương trình Kỹ năng Xã hội Siêu anh hùng (Jenson và cộng sự, 2011) được phát triển để khắc phục hiệu quả khái quát hóa kém trong lĩnh vực huấn luyện kỹ năng xã hội (ví dụ, Bellini và cộng sự, 2007) thông qua việc kết hợp các chiến lược tuân theo 3 kỹ thuật khái quát hóa của Stokes và Osnes (1989). Việc khai thác các tình huống chức năng phát sinh được giải quyết thông qua sử dụng yếu tố bạn học trong quá trình huấn luyện, làm tăng khả năng trẻ em tham gia (với ASD) sẽ nhận được sự củng cố tự nhiên từ bạn của mình trong quá trình sử dụng kỹ năng xã hội (như cơ hội tiếp cận các hoạt động hoặc đồ vật, lời khen ngợi từ bạn học). Chương trình này huấn luyện đa dạng thông qua cung cấp nhiều mẫu ví dụ về kích thích và phản ứng được trình bày qua các video làm mẫu của các trẻ em cùng tuổi, các kịch bản nhập vai và truyện tranh về tình huống xã hội. Các trung gian chức năng của hành vi được kết hợp vào chương trình thông qua việc khuyến khích trẻ em tự giám sát các hành vi xã hội mục tiêu trong và ngoài môi trường huấn luyện, và qua việc kết hợp các bạn học với vai trò người gợi ý sử dụng kỹ năng xã hội.

Chương trình Kỹ năng Xã hội Siêu anh hùng đã mang lại hiệu quả trong việc tăng thời gian tham gia xã hội của trẻ tự kỷ trong cả hai môi trường huấn luyện và khái quát. Radley, Jenson, Clark, & O’Neill (2014) đã thực hiện một thiết kế đa cơ sở (multiple baseline design) giữa các người tham gia để huấn luyện phụ huynh có con ASD và tạo điều kiện tiếp thu các bài học từ chương trình Kỹ năng Xã hội Siêu anh hùng trong môi trường phòng khám. Theo sau khóa huấn luyện phụ huynh, trẻ tự kỷ được đưa đến một khu chơi tự do với các bạn cùng lứa để tương tác. Kết quả cho thấy sự cải thiện về thời gian tham gia xã hội của trẻ với bạn bè sau khi được huấn luyện kỹ năng xã hội, với tính toán kích thước hiệu quả trung bình vừa phải (ES = 0,64). Radley và cộng sự cũng phát hiện các kỹ năng xã hội hỗ trợ phụ huynh sẽ làm giảm các báo cáo về căng thẳng ở họ. Mặc dù các nhà nghiên cứu quan sát được trẻ có cải thiện trong hành vi tham gia, họ lại không đo lường trực tiếp về việc sử dụng hoặc khái quát hóa kỹ năng ở trẻ. Trong một nghiên cứu khác, Radley, Ford, Battaglia và McHugh đã sử dụng thiết kế đa cơ sở giữa trẻ em tham gia để đánh giá hiệu quả của việc thực hiện chương trình Kỹ năng Xã hội Siêu anh hùng đối với các hành vi tham gia xã hội của bốn trẻ em có ASD. Việc huấn luyện đã mang lại sự cải thiện đáng kể về thời gian tham gia xã hội của các trẻ này với bạn bè trong thời gian nghỉ giải lao (NAP = 0,97). Ngoài ra, phân tích danh sách đánh giá các hạng mục trước và sau can thiệp đã cho thấy những cải tiến đáng kể trong báo cáo của phụ huynh về việc sử dụng kỹ năng xã hội của trẻ. Tuy nhiên, như trong nghiên cứu của Radley và cộng sự (2014), không có sự đo lường trực tiếp nào về độ chính xác của kỹ năng mục tiêu trong môi trường huấn luyện hoặc khái quát được thực hiện. Trước những hạn chế của các nghiên cứu trước đây, hiện vẫn chưa rõ việc sử dụng chương trình Kỹ năng Xã hội Siêu anh hùng có mang lại sự thành thạo các kỹ năng xã hội mục tiêu trong bối cảnh huấn luyện hoặc khái quát hay không.

Mục đích của nghiên cứu hiện tại là mở rộng các tài liệu trước đó thông qua thử nghiệm mức độ hiệu quả của chương trình Kỹ năng Xã hội Siêu anh hùng trong việc thúc đẩy thể hiện chính xác các kỹ năng xã hội mục tiêu trong hai môi trường huấn luyện và khái quát. Mặc dù các nghiên cứu trước đây đã kiểm tra hiệu quả của chương trình này trong việc tăng thời gian tham gia xã hội ở trẻ tự kỷ, nhưng nghiên cứu này mới là lần đầu tiên đo lường mức độ hiệu quả của nó lên việc thể hiện chính xác các kỹ năng xã hội mục tiêu. Người ta giả thuyết rằng việc tham gia vào huấn luyện kỹ năng xã hội sẽ cải thiện việc thể hiện chính xác các kỹ năng xã hội mục tiêu. Người ta cũng giả thuyết rằng việc tham gia can thiệp sẽ giúp cải thiện chức năng xã hội và giảm căng thẳng của phụ huynh, theo như báo cáo của phụ huynh.

Để tải về tài liệu chi tiết của chúng tôi, vui lòng click vào nút Download bên phải.

Thông tin

Tác giả

Saigon Children’s Charity

Được dịch bởi

Saigon Children’s Charity

Ngày đăng tải

26/08/2024
Tải xuống