Tự kỷ là gì?
Tự kỷ là một rối loạn liên quan đến phát triển não bộ kéo dài suốt đời, thay đổi và ảnh hưởng cách người tự kỷ nhìn nhận, học tập, tương tác, trải nghiệm, và hiểu thế giới bên ngoài.
Tự kỷ bao trùm một phổ rộng gồm những rối loạn phức tạp liên quan đến phát triển não bộ. Không một cá thế nào có tính cách hay biểu hiện các dấu hiệu rối loạn tự kỷ giống nhau hoàn toàn, và họ chính là các cá thể duy nhất. Đó là lý do vì sao chúng ta gọi là ‘phổ tự kỷ’.
Một số người trẻ có rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) rất tự lập, trong khi những người khác lại cần được hỗ trợ ở nhà, ở trường và trong cộng đồng. Tất cả những người được chẩn đoán có phổ tự kỷ sẽ có những điểm mạnh và những mối quan tâm khác nhau. Đồng thời, họ sẽ gặp các ảnh hưởng ở tùy mức độ khác nhau, và mang trong mình những khó khăn khác nhau, cốt lõi là:
- Suy giảm giao tiếp, suy giảm tương tác xã hội và phản ứng với thế giới bên ngoài (về ngôn ngữ, diễn đạt ý muốn, dáng điệu,…)
- Hành vi và sở thích bị hạn chế, rập khuôn, lặp đi lặp lại (như vẫy tay, xoay người, đi nhón chân).
Vì thế, người tự kỷ có thể cần được hỗ trợ về mặt:
- Giao tiếp
- Tương tác xã hội
- Tiếp ứng thông tin của giác quan
- Chức năng điều hành (lập kế hoạch và học tập)
- Tự chăm sóc và tự lập
Tỷ lệ người tự kỷ và tự kỷ được chẩn đoán như thế nào?
Nghiên cứu hiện nay gợi ý là trong một nhóm có 100 người, thì có 1 hoặc 2 người sẽ có các dấu hiệu tự kỷ. Người tự kỷ có thể được chẩn đoán từ sớm hoặc muộn hơn trong đời.
Tự kỷ có thể được phát hiện ở cả trẻ em nam và nữ, nhưng khả năng các bé trai chẩn đoán nhiều gấp ba lần so với các bé gái, dựa theo các số liệu và thực trạng hiện nay.
Rối loạn phổ tự kỷ không phải là dạng rối loạn quá hiếm. Tự kỷ có ở khắp mọi nơi trên thế giới, trong các gia đình thuộc mọi chủng tộc, dân tộc, và thành phần xã hội. Vì thế, sự thấu hiểu, tương trợ của cộng đồng về rối loạn phổ tự kỷ sẽ góp phần không nhỏ để giúp người tự kỷ có cuộc sống thuận lợi, đủ đầy và ý nghĩa.
Nguồn: Positive Partnerships (https://www.positivepartnerships.com.au/)